Những thói quen xấu khi lái xe ô tô của nhiều tài xế Việt

Nhiều người khi lái xe ô tô thường có những thói quen xấu, điều nay không chỉ gây nguy hiểm cho bạn mà còn cho cả người thân và những người xung quanh.


Nhiều tài xế Việt có những thói quen mà không biết đó là hành vi xấu, gây ảnh hưởng tới người khác khi tham gia giao thông. Đó là những thói quen nào? Hãy cùng blogxe điểm qua 10 thói quen xấu khi lái xe ô tô của các bác tài khi tham gia giao thông nhé.
 

Chiếu đèn pha liên tục khi đi trong phố.


Đèn pha thật sự là mối đe dọa tầm nhìn của người tham gia giao thông. Sử dụng đèn chiếu xa (pha) liên tục sẽ gây cản trở tầm nhìn của người khác và có khả năng gây ra tai nạn rất cao.
Quy định về sử dụng đèn pha đúng lúc, đúng nơi đã được luật giao thông nước ta phổ biến nhưng có vẻ rất nhiều người không biết đến. Mức phạt cho tài xế bật đèn chế độ chiếu xa gây lóa mắt là 600.000-800.000 đồng. 
Bắn thẳng đèn pha vào xe ngược chiều, gây lóa mắt nên dễ đâm vào phương tiện khác, điều này rất nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Xả rác bừa bãi.

Vứt rác bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào là hành vi tệ hại của người lái xe. Sự "hồn nhiên" của bác tài cũng như hành khách trên xe khi xả rác xuống đường phố đã khiến cho không ít người phía sau "bất ngờ".


Hành vi này gây rất nhiều nguy hiểm cho người đang tham gia giao thông.
Cụ thể một số tình huống bạn có thể gặp trên đường với hành vi này như sau:
- Hình ảnh một tay thò từ cửa chiếc ô tô sang trọng chỉ để ném rác xuống đường
- Đang bon bon trên đường thì bỗng dưng túi nôn trong xe ôtô chở khách hay người nhà đi đường xa bị say được "di chuyển" với tốc độ chóng mặt qua cửa kính. Và không biết phần "may mắn" sẽ thuộc về ai trong những người lái xe phía sau.

Hành động này vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, vừa tác động trực tiếp đến những phương tiện khác trên đường. Khi lái xe với tốc độ cao, rác được xả ra sẽ bay rất nhanh về phía sau có thể may mắn đập vào kính chắn gió của xe khác hoặc tệ hơn là đạp thẳng vào người đi đường. Nghĩ thôi cũng thấy mất vệ sinh và lại dễ dẫn tới tai nạn vì lái xe không phản ứng kịp thời gây mất lái..

Bấm còi inh ỏi

Có thể nói giao thông nước ta hỗn loạn phần nhiều vì ý thức người tham gia giao thông quá kém. Bấm còi inh ỏi, vô tội vạ là một biểu hiện nổi bật. Đối với nhiều người thì lái xe đi làm mỗi sáng và giờ tan tầm trở về nhà thật sự là thảm họa, mệt mỏi hơn cả công việc làm cả ngày hôm đó.


Mệt mỏi vì tắc đường lại còn chịu tra tấn bởi thứ âm thanh kinh khủng, đó là tiếng còi inh ỏi. Đâu phải 1 hay 10 chiếc xe đâu mà là hàng trăm chiếc xe bấm còi inh ỏi cả lên. Thật khó hiểu vì đường thì không còn chỗ để nhích, mà phía sau các bác tài cứ liên tục tuýp còi "kêu" phía trước đi đi. 


Đặc biệt đã nhiều lần tôi bức xúc khi dừng đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư, đèn đỏ còn vài giây hoặc vừa mới chuyển sang xanh là chắc chắn sẽ có vô vàn tiếng còi phía sau thúc giục. Thói quen này gây khó chịu cho rất nhiều người dừng xe theo đúng tín hiệu đèn giao thông, tuân thủ luật an toàn giao thông.
Thậm chí có nhiều trường hợp dừng đèn đỏ mà bị người phía sau bấm còi, tông đít xe và chửi rủa, cũng đến bó tay với thành phần tham gia giao thông này.

Lái xe không đúng làn đường.

Tình trạng luồn lách không theo một trật tự nào thường xuyên diễn ra vào những giờ cao điểm như giờ đi làm sáng hay tan tầm buổi chiều. Càng ùn tắc thì người ta càng luồn lách, đặc biệt khi gặp chướng ngại vật như xe trước phanh gấp, người qua đường… người lái xe thường có phản xạ tự nhiên là đánh tay lái sang một bên, lạng lách để vượt lên thay vì giảm tốc độ.
 


Chính vì điều này mà nhiều người xung quanh vô tình gặp nguy hiểm,đây cũng là nguyên nhân góp phần khiến tình hình giao thông thêm phức tạp và ùn tắc. Xin chuyển làn thì bật si nhan là điều những tài xế đều phải biết, tuy nhiên đôi khi họ "quên" mất điều này làm cho những va chạm không đáng có xảy ra bất ngờ.

Không thắt dây an toàn.

khong that day an toan khi ngoi trong o to
 

Không chỉ coi thường việc thắt dây an toàn và đảm bảo tính mạng cho bản thân, có một số tài xế còn quên thắt dây an toàn cho trẻ nhỏ. Việc thắt dây an toàn sẽ giúp cho tài xế không bị va chạm vào kính xe hay các vật dụng khác khi thắng gấp hoặc tai nạn bất ngờ xảy ra.
Không thắt dây an toàn là vi phạm luật giao thông đường bộ. Bộ luật giao thông nước ta đã quy định, từ năm 2018 không chỉ tài xế và người ngồi cạnh mà tất cả các vị trí trên xe có trang bị dây an toàn thì khi có người ngồi vào đều phải cài.

Cản trở người khác xin vượt lên.

Tranh làn đường dành cho xe máy không khiến bạn đi nhanh hơn bao nhiêu mà lại còn làm tăng nguy cơ tắc đường. Nhiều tài xế dù đi chậm hơn tốc độ tối thiểu nhưng vẫn chiếm làn bên trái, không cho xe khác vượt khi có tín hiệu xin vượt. Thiết nghĩ tài xế nên học cách nhường đường cho xe khác xin vượt để tình trạng giao thông có thể ổn định hơn. 

Đậu xe không đúng nơi, không đúng cách.


Một số tài xế đỗ xe ngay phần đường cấm hay đỗ xe nơi đường nhỏ hẹp, trên cầu, nơi khúc đường cong, gây cản trở giao thông, ùn tắc chỉ vì "một mình một cõi" và ai cũng vội chỉ mình mình không vội. Không chỉ ở ngoài đường mà khi đỗ xe trong bãi gửi, trong hầm của trung tâm thương mại rất nhiều xe đỗ chéo, đỗ xiên xẹo, đỗ sát xe kế bên, đỗ chiếm diện tích,... gây khó khăn cho người đỗ sau, cho người lấy xe đi. Hành động này là một trong những thói xấu tùy tiện đáng lên án của các bác tài.

Uống rượu bia khi lái xe. 


"Đã uống rượu bia thì không lái xe” là câu khẩu hiệu muôn thuở, đặt ra và phổ biến ai ai cũng biết, ai ai cũng hiểu. Nhưng có thể là người lái xe không coi trọng tính mạng của chính mình và người tham gia giao thông nên vẫn cứ "lờ" đi cái sự hiểu đó của mình. Từ trước tới nay đã có không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra mà nguyên nhân chính là do người ta lái xe với nồng độ cồn vượt mức quy định. 
Lái xe trong tình trạng say sỉn dẫn đến mất lái, đạp nhầm chân phanh – chân ga, chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng khi cơ thể lẫn đầu óc đã không còn tỉnh táo,... gây ra những thương vong không đáng có. Dù uống rượi hay bia, dù ít dù nhiều đều có thể tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Hút thuốc trên xe.

Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã quy định cấm hút thuốc lá trên các phương tiện công cộng như xe ô tô, tàu bay và có mức phạt nếu vi phạm. Tuy nhiên, thực tế thìvẫn có những tài xế ngang nhiên hút thuốc trong xe. Các bác tài này không quan tâm đến sức khỏe của mình và cũng ích kỷ chẳng nghĩ đến cảm nhận của những người ngồi trên chuyến xe ấy. 
 


Nhiều nghiên cứu cho thấy việc hút thuốc trong ô tô gây hại gấp đến 3 lần so với bình thường. Mùi, vết bẩn hay dấu hiệu bị cháy có thể khiến chiếc xe hơi bị giảm giá trị, người hút thuốc cũng gây ảnh hưởng chính người xung quanh và bản thân mình. Hành động này còn có thể gây ra những tai nạn bất ngờ do sự thiếu tập trung và chủ quan của người lái. 

Sử dụng điện thoại trong khi lái xe.

 

Sử dụng điện thoại khi lái xe, nhận cuộc gọi khi đang lái xe sẽ tiết kiệm thời gian để khỏi phải đỗ, dừng. Và chính suy nghĩ đó của người lái đã khiến không biết bao nhiêu tình huống "nhanh một phút chậm một đời" xảy ra. Nghe, sử dụng điện thoại khi lái xe làm bạn mất tập trung, hạn chế khả năng quan sát do đó không thể phản ứng kịp khi gặp những tình huống bất ngờ. Mức phạt 600.000 đồng đến 800.000 đồng cho hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là quá thấp để có thể cảnh tỉnh người dân.
Hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại vì an toàn cho cả bạn và những người xung quanh nữa nhé.


10 thói quen xấu kinh điển của không ít tài xế chính là điều minh chứng cho sự tuỳ tiện và ích kỷ của bản thân họ. Và không chỉ có 10 thói xấu tai hại đó mà lái xe còn có vô vàn thói xấu khác. Một số thói xấu khác nhiều người mắc phải như: đỗ xe sai quy định, không bật xi nhan khi rẽ, không dùng gương chiếu hậu, quay đầu xe mọi nơi,  …
 

Kết luận:

Ai rồi cũng có lúc quên và vô tình mắc lỗi, nhưng không thể mắc hoài những lỗi đó được. Tham gia giao thông phải có ý thức, thấy được lỗi sai của mình và sửa chữa thì mới mong tình hình giao thông ở Việt Nam ta đỡ phức tạp và cũng phần nào văn minh hơn. 

Rất may, vẫn còn nhiều bác tài có ý thức, có kiến thức và có văn hóa ứng xử tốt trong khi tham gia giao thông. Mong rằng việc đặt mình trong vị trí người "bị hại" sẽ làm thức tỉnh một số bác tài khi xem qua bài viết này. Nếu có "bức xúc" gì bạn cứ mạnh dạn bình luận với chúng tôi nhé.

Xem thêm:  
Tại sao phải thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô?

Blogxe là website chuyên cập nhật các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lái xe ô tô, review trải nghiệm - đánh giá chi tiết xe ô tô, cập nhật bảng giá xe oto các hãng xe trong và ngoài nước. Đồng thời là diễn đàn giúp kết nối  người mua và người bán thông qua nền tảng mua bán oto trực tuyến hiệu quả - nhanh chóng- dễ dàng.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây